• Thứ Sáu 19/04/2024
  • RSS

Ngành Xi măng sẽ tiếp tục chật vật để cân đối cung - cầu

Thứ Hai  27/02/2023
News Filters
Nguồn cung xi măng hiện nay đã vượt xa so với nhu cầu, nhưng tiếp tục được bổ sung trong năm 2023, đưa mức dư cung càng nới rộng thêm, trong khi dự báo tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Những yếu tố này khiến ngành Xi măng sẽ tiếp tục chật vật để cân đối cung - cầu, điều tiết sản xuất - tiêu thụ để tránh cảnh hàng tồn kho gia tăng.


Trong năm 2022 vừa qua, ngành Xi măng vừa có thêm 2 dây chuyền đi vào sản xuất là Xi măng Đại Dương 1 (tháng 7/2022, công suất 2,3 triệu tấn/năm); Xi măng Long Sơn 4 (tháng 9/2022, công suất 2,5 triệu tấn/năm). Theo kế hoạch, năm 2023 sẽ có thêm 2 dây chuyền mới đi vào vận hành, gồm: Xi măng Xuân Thành 3 ( công suất 4,5 triệu tấn/năm), Xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn/năm). Dự kiến nguồn cung xi măng sẽ đạt khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức 63 - 65,5 triệu tấn.

Dư thừa xi măng tiếp tục dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò. Đầu tháng 1 vừa qua, một số dây chuyền xi măng xác nhận phải dừng lò, kết hợp sửa chữa thiết bị, cũng để giảm tải áp lực về tiêu thụ khi thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu còn trầm lắng.

Năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đạt 62,68 triệu tấn, tương đương năm 2021. Tiêu thụ xi măng chững lại do chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản, cộng với việc giải ngân vốn đầu tư các công trình công còn chậm, khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng đáng kể.

Tiêu thụ xi măng thấp, trong khi chi phí sản xuất liên tục tăng cao, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng tiếp tục giảm tốc, nhất là những doanh nghiệp đóng đô tại địa bàn có nhiều nhà máy xi măng, sản lượng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình. Kịch bản này dự báo duy trì tiếp trong năm 2023.

Theo các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.

Thị trường năm 2023 chưa được cải thiện cũng là nhận định của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp nắm giữ 35% thị phần trên thị trường xi măng trong nước. Tổng Giám đốc Vicem, ông Lê Nam Khánh cho hay, xây dựng dân dụng phục hồi chậm; các công trình, dự án cũng chậm triển khai, nên xi măng không dễ tăng tiêu thụ.

                                                                                                                                                              Theo ximang.vn

Các tin cũ hơn